Hiểu về Tam Thừa

Chào các đạo hữu gần xa,

Hình ảnh: Guru Dorjé Drolö

Như thường lệ, tôi mong các bạn mạnh khoẻ, an khang và hạnh phúc khi nhận được lời nhắn này. Ngày vía Đức Liên Hoa Sinh lần này cũng là ngày vía của Guru Dorjé Drolö, Đạo Sư Phẫn Nộ Kim Cương Bừng Sáng Siêu Vượt Trí Huệ. Vào ngày đặc biệt này, tôi muốn chia sẻ với các bạn một số thông tin chuyên sâu về ý nghĩa và mục đích của ba yana, hay hệ thống giáo lý tam thừa: Thừa Nền Tảng (Therevada), Đại Thừa (Mahayana) và Mật Chú hay Kim Cương Thừa (Vajrayana). Ngày nay, người ta thường giải thích về những khác biệt giữa các thừa này dựa trên bối cảnh văn hoá, ngôn ngữ, và lịch sử. Tuy nhiên, theo sự hiểu biết của tôi thì ba thừa này là ba cấp độ hướng tới sự chữa lành tâm trí con người

hay theo thuật ngữ Giáo Pháp thì đây là ba bước hướng tới sự tịnh hoá các che chướng cản trở chúng ta chứng đắc sự giác ngộ tối thượng.

Yana đầu tiên, Nền Tảng hay Phật Giáo Nguyên Thủy nhấn mạnh vào những hành vi tiêu cực (nghiệp chướng) và những ý nghĩ và cảm xúc tiêu cực (phiền não chướng) như mục tiêu của sự chuyển hoá. Phật Giáo Nguyên Thủy dạy rằng mọi hành động và cảm xúc tiêu cực, chẳng hạn như tam độc v.v… đều xuất phát từ sự chấp ngã. Do vậy, nhổ bỏ tận gốc chấp ngã là trọng tâm chính của Phật Giáo Nguyên Thủy và là nền tảng của toàn bộ con đường chuyển hoá của Phật giáo.

Hình ảnh: Guru Dorjé Drolö
Hình ảnh: Guru Dorjé Drolö

Thứ hai là trong Đại Thừa, mục tiêu chính của sự chuyển hoá là dính chấp nhị nguyên (sở tri chướng). Do vậy mà khi dạy về Đại Thừa, Đức Phật Thích Ca đã nhấn mạnh về thiền tính không, hay pháp thiền vượt ngoài chánh niệm, thoát khỏi tri kiến nhị nguyên của chủ thể và đối tượng.

Cuối cùng, Kim Cương Thừa trực tiếp nhắm vào chướng thứ tư – nguồn căn của ba chướng trên – để chuyển hoá. Chướng thứ tư này chính là khoảnh khắc chuyển động đầu tiên của ý niệm, hay sự khuấy động đầu tiên của tâm thức (tập khí chướng). Con đường Kim Cương Thừa nhắm vào sự chuyển hoá chướng này qua sự trực nhận về tự tính căn bản thanh tịnh, nơi mà mọi hiện tượng khởi hiện.

Theo cách này, cả ba yana trong lộ trình là để chữa lành bệnh tật của chúng ta. Ví dụ như nếu lá gan của bạn không khỏe mạnh, bạn cũng có thể bị nhức đầu. Phật Giáo Nguyên Thủy nhằm mục đích chữa trị triệu chứng – sự đau đầu. Đại Thừa chữa trị nguyên nhân trực tiếp, trong trường hợp này là bệnh gan. Kim Cương Thừa đi sâu hơn và tập trung vào những nguyên nhân vi tế, sâu xa hơn của bệnh gan, chẳng hạn như chứng viêm nhiễm trong thân thể. Trong ẩn dụ này, con đường Kim Cương Thừa sẽ bao gồm việc chữa trị chứng viêm nhiễm ở cấp độ tế bào vốn là nguồn gốc của bệnh và tất cả các triệu chứng của nó.

Do vậy, dù có những khác biệt về văn hoá, ngôn ngữ hay lịch sử giữa ba thừa, nhưng chỉ giải thích theo cách đó sẽ hoàn toàn bỏ sót những quan điểm về giáo lý đã nêu bên trên, trong khi áp đặt quan điểm chủ quan của chúng ta về con đường Phật giáo. Tuy nhiên, từ quan điểm của các thừa, rõ ràng là chúng hình thành một con đường chuyển hóa dẫn tới sự chứng ngộ về bản tính chân thực của tâm. Do vậy, tôi thấy rằng cả ba thừa này đều có mối liên hệ với nhau và đều quan trọng để hiểu. Tất cả đều bắt nguồn từ sự gia trì và dẫn dắt từ các giáo lý của Thượng Sư Padmasambhava.

Điểm thứ hai mà tôi muốn nhấn mạnh là mỗi thừa được dạy cho một đối tượng nhất định với một mục đích cụ thể. Trong Phật Giáo Nguyên Thủy, thuyết nhân quả được chú trọng nhiều. Trong bối cảnh này, Đức Phật đã tuyên thuyết: “Ta không thể gột rửa những tà hạnh của các con bằng đôi tay của mình, mà ta cũng không thể chuyển giao sự giác ngộ của ta cho các con. Ta chỉ có thể chỉ ra con đường chuyển hóa, còn lại thì tùy thuộc các con có đi theo con đường đó hay không.” Đây là lời răn của Đức Phật trong bối cảnh của Phật Giáo Nguyên Thủy bởi vì quan điểm chính của ngài là tầm quan trọng của việc tự chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Ở đây, Đức Phật đã dạy chúng sinh rằng họ có thể chuyển hóa, và do đó cần chịu trách nhiệm cho bản thân họ. Ngài dạy rằng chúng ta có thể là đấng bảo hộ hay là kẻ thù của chính mình.

Trong Kim Cương Thừa, trọng tâm là tâm thức, sự từ bi cũng như tâm bồ đề. Những yếu tố này rất được coi trọng tới mức chúng đủ để giảm bớt hay thậm trí loại bỏ được nghiệp tiêu cực. Đó là lý do tại sao mà ngài Tịch Thiên đã viết rằng chỉ cần một khoảnh khắc của tâm bồ đề chân chính cũng tịnh hoá được nghiệp tiêu cực tích luỹ trong rất nhiều kiếp. Điều này thể hiện rõ rằng tâm là chính yếu, vì vậy mà lòng từ bi và tâm bồ đề mạnh mẽ hơn nghiệp lực. Do đó, trọng tâm của các giáo lý Đại Thừa có chuyển đổi so với Phật Giáo Nguyên Thủy, bởi vì đối tượng khán giả cũng thay đổi. Ngay từ đầu, chúng ta không thấy được tầm quan trọng của tâm trí, do vậy mà chủ yếu tập trung vào các hành vi bên ngoài. Tuy nhiên, một khi chúng ta đã thực hành trên con đường, vai trò chính của tâm trở nên rõ ràng hơn. Đó là lúc chúng ta bắt đầu hướng lợi từ các giáo lý Đại Thừa về chuyển hoá tâm. Kim Cương Thừa dạy về tự tính tâm, vị Phật đích thực và những sự gia trì của yếu tố này. Do vậy, điều tối quan trọng là hiểu được rằng khi chúng ta nói tới “Phật”, nghĩa là sự vắng mặt của bản ngã và dính chấp nhị nguyên, cũng có nghĩa là sự vắng bặt hoàn toàn của nghiệp cũng như các ý nghĩ và cảm xúc tiêu cực. Đây là điều mà chúng ta gọi là Phật: hoàn toàn giác ngộ, trí huệ bẩm sinh.

Kim Cương Thừa dạy rằng Phật là đấng toàn năng bởi vì đây là chân lý tối thượng bất biến. Mọi điều khác đều là tương đối và huyễn hoặc. Đó là lý do tại sao mà trong Kim Cương Thừa nhấn mạnh rất nhiều về ân phước gia trì của chư Phật, lòng từ bi vô hạn và trí huệ vượt thoát nhị nguyên. Trí huệ bất nhị và lòng từ bi có thể chuyển hoá mọi thứ bởi vì đây là bản chất của thực tại. Do vậy, chúng ta không nói đến sự gia trì của một đối tượng cụ thể sống trong một khoảng thời gian cụ thể. Đây hoàn toàn là sự hiểu lầm và sai lạc. Chúng ta nói đến những sự gia trì của chân lý tối thắng.

Hiểu về Tam Thừa
Hiểu về Tam Thừa

Do vậy, Kim Cương Thừa nhấn mạnh trên hết vào trí huệ và dạy về sự gia trì của trí huệ, bản tính chân thực vốn là sự chuyển hoá. Và cái tên “Kim Cương Thừa” cũng đến từ: “kim cương” biểu thị tự tính chân thực, vốn không thể hủy hoại, là chân lý mà Đức Phật dạy để chúng ta liễu ngộ. Đây là vị Phật tối thượng, vốn không thể tách rời vô số vị Phật trong quá khứ, hiện tại và tương lai, cũng như tất cả các vị Bồ Tát, Không Hành và Bản Tôn của Kim Cương Thừa. Khi các bạn biết điều này, các bạn sẽ hiểu được ý nghĩa sự gia trì của chư Phật là gì.

Do vậy, sự dịch chuyển trọng tâm từ thừa này sang thừa khác là minh chứng của quá trình chuyển hoá. Trước tiên, với các giáo lý Nguyên Thủy, chúng ta học cách chịu trách nhiệm về hành động và con đường của mình. Tiếp theo, Đại Thừa dạy cho chúng ta tầm quan trọng của tâm thức, và cách chuyển hoá qua các pháp tịnh hoá và tích luỹ. Cuối cùng, Kim Cương Thừa chỉ ra tự tính thanh tịnh của tâm, trí huệ bất nhị.

Khi các bạn hiểu được ngữ cảnh của các giáo lý này, các bạn cũng sẽ hiểu được logic hoàn hảo của chúng. Phật Pháp không có bất cứ nghịch lý nào, bởi vì mỗi giáo lý đều được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu của từng các nhân theo trình độ của họ. Tuy nhiên, khi chúng ta cố gắng phân tích mọi thứ từ quan điểm suy diễn đơn thuần mà không màng tới khía cạnh thực hành của giáo lý, mọi thứ có vẻ nghịch lý. Bản thân tôi từng thấy rất nhiều nghịch lý trong quá khứ, nhưng bây giờ tôi đã vượt qua được giới hạn đó nhờ sự gia trì của các bổn sư, qua chỉ dẫn Giáo Pháp và của Thượng Sư Padmasambhava, và nhờ lòng sùng mộ của tôi với thực hành và các vị thầy. Đây là sự kết hợp của các điều kiện mà chúng ta cần để hiểu biết trọn vẹn, là điều mà tôi mong ước cho các bạn trong ngày Guru Dorjé Drolo, Đạo Sư Phẫn Nộ Kim Cương Bừng Sáng Siêu Vượt Trí Huệ.

Với Tất Cả Tình Thương và Lời Cầu Nguyện của Tôi, Sarva Mangalam.

Phakchok Rinpoche