42 THỦ NHÃN ẤN PHÁP CỦA ĐẠI BI TÂM ĐÀ LÀ NI (Phần 3 – 8 Thủ Nhãn Ấn Pháp thuộc Kim Cang bộ Hàng Phục Pháp)

Bài này sẽ tiếp tục nói về 8 Thủ Nhãn Ấn Pháp thuộc Kim Cang bộ Hàng Phục Pháp, tức là bộ Mật Pháp có công năng chính chuyên điều phục, trấn áp các Thiên Ma, Ngoại Đạo, Quỷ Thần thường hay não loạn chúng sanh hay cho đến hàng phục các loại bệnh tật, khổ não gây ra bởi các Quỷ Thần. 8 loại Thủ Nhãn Ấn Pháp ấy là:

1️⃣ BẢO BÁT THỦ (Tay cầm cái bát báu – hình 1)

– Kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni dạy: “Nếu muốn trị các bệnh khổ trong bụng thì nên cầu nơi tay Bảo Bát.”
– Thần Chú liên quan: câu 42. Hô Lô Hô Lô Hê Rị/ Hulu Hulu Hrīḥ
– Chân Ngôn là: Án, Chỉ Rị Chỉ Rị, Phạ Nhựt Ra, Hồng Phấn Tra/Oṃ Kili Kili Vajra Hūṃ Phaṭ
• Bảo Bát là vật tròn trịa dùng chứa thực phẩm. Các vị Khất Sĩ thường dùng bình bát đi xin thức ăn để trừ bụng đói. Riêng cái Bát Báu của chư Phật ba đời có hình tròn trịa, biểu thị cho nghĩa Không, tức là Sự vô ngại, Bát chứa đầy thực phẩm biểu thị cho nghĩa “Bình phục hay ngăn che mọi bệnh”. Do uy đức này mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni thường dùng thực phẩm trong bình bát của mình để trị bệnh trong bụng cho các Tỳ-kheo.
Quán Thế Âm Bồ Tát dùng bản nguyện Từ Bi cầm giữ cái Bát Báu của chư Phật ba đời, bỏ các thực phẩm thuốc men vi diệu vào Bát đem ban phát cho chúng sanh nhằm chữa trị những bệnh trên thân tâm của họ.
• Bệnh có 2 loại: Nội Bệnh và Ngoại Bệnh
1) Nội Bệnh: là nghiệp bệnh, thường nói là các bệnh trong bụng, bệnh mà thân tâm bị nóng lạnh hay bệnh do Tứ Đại tăng giảm.
Phàm nóng bức trong bệnh là do nghiệp đời trước phát khởi nên dùng Chánh để trị Tà, tức là dùng Bát Báu để trị bệnh.
Nếu cho nước, thức ăn, hương liệu, thuốc men,… vào trong cái Bát đặt trước tượng Bổn Tôn và tụng Chú 108 biến. Sau đó đem ăn uống thì trừ được các bệnh trong bụng và được sống lâu, ngoài ra còn trừ được tâm bệnh (tức là phiền não Tham Sân Si).
2) Ngoại Bệnh: là bệnh do Quỷ Ác, Vọng Lượng,… gây ra nên cần dùng Dương Chi Thủ Nhãn để trị.
• HT Tuyên Hoá dạy rằng thường tu trì Bảo Bát Thủ Nhãn Ấn Pháp này thì sẽ vượt qua được bệnh tật chướng duyên và còn có thể dùng các chướng duyên ấy làm thắng duyên tiến đạo.

2️⃣ BẢO KIẾM THỦ (Tay cầm cây kiếm báu – hình 2)

– Kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni dạy: “Nếu muốn giáng phục tất cả Vọng Lượng, Quỷ Thần thì nên cầu nơi tay Bảo Kiếm.”
– Thần Chú liên quan: câu 50. Địa Rị Sắt Ni Na/Dharṣinina
– Chân Ngôn là: Án, Đế Thế Đế Nhá, Đổ Vỉ Nảnh, Đổ Đề Bà Đà Dã, Hồng Phấn Tra/Oṃ Teje Tejeśvitni Siddhi Sādhaya Hūṃ Phaṭ
• Kiếm hay Gươm, là loại lợi khí dùng để chinh chiến phòng ngự. Bất Động Minh Vương dùng Kiếm Báu để giáng phục Tứ Ma. Đại Thánh Cát Tường dùng Tuệ Kiếm vào Tam Muội “Phá hoại chúng Ma”.
Quán Thế Âm Bồ Tát dùng bản nguyện Từ Bi cầm cây Kiếm Báu biểu thị cho nghĩa “Thắng tất cả Quỷ Thần”.
Kiếm này dùng 2 chấu làm cán cầm, lửa nóng bao quanh biểu thị cho nghĩa “trừ Ma, kết Giới”. Còn nữa, Kiếm biểu thị cho Trí Tuệ hay cắt đứt tất cả phiền não nên trừ được Nội Chướng. Tóm lại, Kiếm này có thể: bên ngoài trừ Ngoại Chướng từ Ác Quỷ, Vọng Lượng, bên trong thì trừ diệt phiền não Nội Chướng.
• Muốn thành tựu Pháp này, hành giả làm cây kiếm đặt trước tượng Bổn Tôn, tác niệm tụng Chú. Sau đó lấy kiếm và chú nguyện vào 21 lần, chuyển bên trái 3 vòng để tịch trừ các Quỷ Thần rồi chuyển bên phải để vạch đất làm kết giới, thảy đều thành tựu.
• HT Tuyên Hoá dạy rằng thường tu trì Bảo Kiếm Thủ Nhãn này thì liền có quang minh soi rọi khắp Tam Thiên Đại Thiên thế giới, nên yêu khí được tiêu trừ, tất cả Ác Quỷ Vọng lượng phải cải tà quy chánh và y theo lệnh của hành giả.

3️⃣ BẠT CHIẾT LA THỦ (Tay cầm Chày Kim Cương Tam Cổ – hình 3)

– Kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni dạy: “Nếu muốn giáng phục tất cả Thiên Ma, Ngoại Đạo thì nên cầu nơi tay Bạt Chiết La.”
– Thần Chú liên quan: câu 68. Giả Kiết Ra A Tất Đà Dạ/Cakra Āsiddhāya
– Chân Ngôn là: Án, Nễ Bệ Nễ Bệ, Nễ Bà Dã, Ma Ha Thất Rị Duệ, Tát Phạ Hạ/Oṃ Dīpe Dīpe Dīpaya Mahāśrīye Svāhā
• Bạt Chiết La (tiếng Phạn là “Vajra”) là tiếng Thiên Trúc – Đời Đường dịch là Kim Cương hay Tam Cổ xử (chày Tam Cổ). Đấy là chày Kim Cương có 3 móc câu biểu thị cho nghĩa giáng phục 3 loại Ma:
1) Nội Ma: là tội nghiệp của đời trước
2) Ngoại Ma: là các loài hay gây hại bên ngoài như Thiên Ma, Quỷ Thần, 36 loại cầm thú
3) Tâm Ma: là tâm Tham Sân Si, khi tâm động thì mê loạn với ngoại trần nên chẳng giải được Chánh Pháp.
Kim Cương Mật Tích Lực Sĩ cầm nắm trên tay chày Tam Cổ này để phù hộ Chánh Pháp của ba đời chư Phật và giáng phục Ma Thần. Quán Thế Âm Bồ Tát dùng bản nguyện Từ Bi xông ướp Tam Muội nên cầm Bạt Chiết La để hàng phục tất cả Đại Ma Thần.
• Khi bị Đại Ma Thần nhiễu loạn, hành giả nên dùng Linh mộc làm chày, đặt trước tượng Bổn Tôn và tụng Chú Đại Bi. Sau đó lấy chày này chú nguyện 21 biến vào rồi tác thế phá, nhớ Bổn Tôn với Ấn Tướng, dùng nơi đi đến làm giới thì tự nhiên thành tựu.
• HT Tuyên Hoá dạy rằng thường tu trì Bạt Chiết La Thủ Nhãn Ấn Pháp này thì cũng như sét đánh, như mây che, như đánh trống, như nước Cam Lồ, để khai thị cho chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến. Đặc biệt là chư Thiện Thần và Thiên Ma vì thọ ơn sâu sắc nên thường theo hộ vệ hành giả tu trì Thủ Nhãn này.

4️⃣ KIM CƯƠNG XỬ THỦ (Tay cầm chày Kim Cương Độc Cổ – hình 4)

– Kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni dạy: “Nếu muốn hàng phục tất cả oán đối thù địch thì nên cầu nơi tay Kim Cương Xử.”
– Thần Chú liên quan: câu 43. Ta Ra Ta Ra/Sāra Sāra
– Chân Ngôn là: Án, Phạ Nhựt Ra, Chỉ Nảnh, Bát Ra Nể Bát Đa Dã, Tát Phạ Hạ/Oṃ Vajrāgni Pradīptāya Svāhā
• Kim Cương Xử là cái chày vồ bằng đá, gọi là Độc Cổ Xử, biểu thị cho nghĩa “tồi phá”. Vua trời Đế Thích cầm chày Kim Cương là khí trượng đẩy lui Quỷ Chướng dùng phá tan oán địch.
Quán Thế Âm Bồ Tát dùng bản nguyện Từ Bi cầm chày Độc Cổ biểu thị cho nghĩa tồi phá tất cả oán địch.
• Hành giả dùng Bạc, Đồng,… làm chày Độc Cổ, tụng Chú hướng về phía oán địch và hiển thế phá, ắt sẽ trừ được oán đối.

5️⃣ NHẬT TINH MA NI THỦ (Tay cầm vành mặt trời – hình 5)

– Kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni dạy: “Nếu người nào vì mắt bị mờ không có ánh sáng thì nên cầu nơi tay Nhật Tinh Ma Ni.”
– Thần Chú liên quan: câu 32. Thất Phật Ra Da/Śvarāya
– Chân Ngôn là: Án, Độ Tỉ, Ca Giả Độ Tỉ, Bát Ra Phạ Rị Nảnh, Tát Phạ Hạ/Oṃ Dhūpekāya Dhūpe Pravarṇa Svāhā
• Nhật Tinh Ma Ni là cung điện của Nhật Thiên Tử, là chỗ của thành Hoả Châu nên gọi là Nhật Luân.
Do mặt trời hay phóng toả ánh sáng, xua tan tất cả tăm tối và mang lại sự sáng rỡ ấm áp cho vạn vật, nên Nhật Tinh Ma Ni biểu thị cho nghĩa “Trừ ám biến minh”.
Lại nữa, trong Nhật Luân đồ có vẽ hình con quạ 3 chân nhằm biểu thị cho nghĩa “Trong phiền não hiển hiện Bồ Đề”. 3 chân con quạ đó là 3 độc Tham Sân Si, nên con quạ trong Nhật Luân đồ biểu hiện cho nghĩa “Phiền não tức Bồ đề” vậy…
Quán Thế Âm Bồ Tát dùng bản nguyện Từ Bi hoá làm Nhật Thiên Tử ngự tại cung điện Hoả Tinh nhằm chữa bệnh mắt mờ cho chúng sanh và biểu hiện cho nghĩa “Trừ ám biến minh”.
• Muốn thành tựu Pháp này, hành giả nên hướng về mặt trời làm lễ, quán tưởng mọi tướng tốt của Quán Tự Tại Bồ Tát, tụng Chú tức được mắt sáng và trừ được Ám Độn.

6️⃣ NGUYỆT TINH MA NI THỦ (Tay cầm vành mặt trăng – hình 6)

– Kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni dạy: “Nếu người nào vì bệnh nhiệt độc mà cầu được mát mẻ thì nên cầu nơi tay Nguyệt Tinh Ma Ni.”
– Thần Chú liên quan: câu 28. Độ Lô Độ Lô/Dhuru Dhuru
– Chân Ngôn là: Án, Tô Tất Địa, Yết Rị, Tát Phạ Hạ/Oṃ Susiddhikari Svāhā
• Nguyệt Tinh Ma Ni là nơi cư ngụ của Nguyệt Thiên Tử, là chỗ thành của Thủy Châu nên gọi là Nguyệt Luân. Do mặt trăng phóng toả ánh sáng mát mẻ giúp vạn vật sanh trưởng nên Nguyệt Tinh Ma Ni biểu thị cho nghĩa “Trừ nhiệt độc hiển thanh lương”.
Đại Thế Chí Bồ Tát hoá thành Nguyệt Thiên Tử cư ngụ tại cung điện Thủy Tinh Châu để giải trừ sự nóng bức cho tất cả chúng sanh, khiến cho họ được mát mẻ.
• Để thành tựu Pháp này, hành giả vẽ hình mặt trăng lên cây quạt, tụng Chú Đại Bi xong quạt vào người bị nhiệt độc thì họ sẽ bình phục.
• Như Đại Bi Tâm Đà La Ni Kinh có câu kệ sau:
“Gặp rồng, dịch quỷ gieo hơi độc,
Nóng bức, khổ đau sắp mạng chung.
Chí thành xưng tụng chú Đại Bi,
Bịnh dịch tiêu trừ, mạng trường cửu.”
Và nếu còn chẳng biết thì Đà La Ni ủng hộ hành giả Đại Bi Thần Chú của Nguyệt Quang Bồ Tát cũng có công năng tiêu trừ cái nóng nơi thân tâm không kém, nếu chí thành trì tụng. Bạch Y Đại Sĩ Linh Cảm Thần Chú cũng có công năng trị bệnh nhiệt độc như nóng, sốt,… rất hiệu quả vậy.

7️⃣ HOÁ CUNG ĐIỆN THỦ (Tay Hoá Cung Điện – hình 7)

– Kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni dạy: “Nếu muốn đời đời kiếp kiếp ở trong cung điện Phật, chẳng ở trong bào thai thì nên cầu nơi tay Hoá Cung Điện.”
– Thần Chú liên quan: câu 34. Phạt Ma Ra/Vamāra
– Chân Ngôn là: Án, Vi Tát Ra, Vi Tát Ra, Hồng Phấn Tra/Oṃ Visāra Visāra Hūṃ Phaṭ
• Cung điện là nơi trú ngụ của Người và Trời – nếu dùng cung điện Thế Gian cúng dường Phật thì sẽ được trú ngụ trong cung điện của Phật.
• Quán Thế Âm Bồ Tát dùng bản nguyện Từ Bi hiện hoá cung điện, bên trong cung điện đặt một vị hoá Phật để thờ phụng, sự này biểu thị cho nơi quy y của người trì Chú. Hành giả làm hình Cung Điện, bên trong Điện lại đặt hình một vị hoá Phật rồi đặt trước tượng Bổn Tôn, trì Chú thì đời đời thường sanh trong cung điện của chư Phật và khỏi sanh vào bào thai.
• Kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni dạy rằng hành giả thọ trì Đại Bi Thần Chú thì đời đời kiếp kiếp thường được liên hoa hoá sanh ở trước chư Phật và không còn thọ thân thai sanh, noãn sanh hay thấp sanh nữa. Quán Thế Âm Bồ Tát trong Kinh nói rằng Ngài khi xưa nhờ chuyên trì tụng Chú này không xao lãng nên cũng được công đức thù thắng như vậy đó.

8️⃣ BẤT THOÁI KIM LUÂN THỦ (Tay cầm bánh xe báu – hình 😎

– Kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni dạy: “Nếu muốn từ thân này cho đến khi được Phật Thân chẳng còn thoái chuyển Tâm Bồ Đề thì nên cầu nơi tay Bất Thoái Kim Luân.”
– Thần Chú liên quan: câu 46. Bồ Đề Dạ – Bồ Đề Dạ/ Bodhiya Bodhiya
– Chân Ngôn là: Án, Thiết Na Di Tả, Tát Phạ Hạ/Oṃ Śiṇa Meṣya Svāhā
• Kim Luân là bánh xe có 8 căm biểu thị cho sự luân chuyển của sanh tử. Quán Thế Âm Bồ Tát cầm Kim Luân khiến chúng sanh chẳng lay động nhằm biểu thị cho nghĩa: phát tâm Bồ Đề, được bất thoái chuyển và trừ dứt nghiệp sanh tử.
• Hành giả làm bánh xe 8 căm đặt trước tượng Bổn Tôn, tụng Chú sẽ trừ được nghiệp sanh tử, phát tâm Bồ Đề chẳng còn thoái chuyển.
• Bất thoái chuyển có 3 loại:
1) Vị Bất Thoái: tức là chẳng còn thoái lui xuống giai vị Phàm phu, vĩnh viễn đạt được Thánh quả giải thoát.
2) Hạnh Bất Thoái: tức là chẳng còn thoái lui xuống giai vị Nhị Thừa, vĩnh viễn đạt được Bồ Tát hạnh đại Từ đại Bi.
3) Niệm Bất Thoái: tức là chẳng còn thoái lui hay làm mất Chánh Niệm Trung Đạo, vĩnh viễn một mực tiến thẳng lên ngôi vị Phật quả Như Lai.
HT Tuyên Hoá dạy rằng tu trì Bất Thoái Kim Luân Thủ Nhãn này được nhất tâm thì trừ diệt được Yêu Ma, Quỷ Quái và hộ trì Chánh Pháp. Lại khiến cho từ thân hiện tại của bản thân cho đến lúc thành Phật không còn thoái chuyển Bồ Đề tâm nữa.
• Người trì tụng Chú Đại Bi thì được 15 loại thiện sanh, trong đó có loại thiện sanh “6. Tuỳ theo chỗ sanh, đạo tâm thuần thục”, tức là tâm Bồ Đề chẳng còn thoái chuyển vậy.
==> Cho nên Quán Thế Âm Bồ Tát trong Kinh nói rằng hành giả thọ trì Chú Đại Bi Tâm Đà La Ni nếu đúng Pháp thì còn có thể sai khiến các Quỷ Thần cùng chế phục các Thiên Ma, Ngoại Đạo.
~ Hết ~
(Nguồn: Trích các bài giảng của HT Tuyên Hoá, HT Thích Thiền Tâm và một chút hiểu biết của Dương Liễu Pháp Tịnh)
❗❗42 Thủ Nhãn Ấn Pháp này là Mật Pháp, tức là Pháp môn CẦN ĐƯỢC TRUYỀN DẠY bởi các vị Đạo Sư tu Mật tông có chứng đắc, có giác ngộ trước rồi mới được phép đem ra hành trì. Nếu chưa được truyền dạy kỹ càng mà đem ra hành trì một cách tự ý thì nguy hiểm khôn lường. Nếu ai làm đúng theo thì sẽ được lợi ích, còn ngược lại thì sau này có bất lợi là do mình tự làm tự chịu.
Nếu chỉ chuyên nhất tu trì 84 câu Chú Đại Bi và học cách phát khởi, an trụ trong Đại Bi Tâm đối với tất cả chúng sanh thì công đức vẫn lớn như thường. Mật Pháp này là Pháp hành bổ trợ chuyên sâu của Đại Bi Tâm Đà La Ni, nhưng bên cạnh đó còn có rất nhiều Pháp bổ trợ khác thuộc Hiển Pháp mà bất kỳ hành giả Đại Bi Tâm Đà La Ni nào cũng có thể tự mình hành trì được, như là phát Đại Bi nguyện, trì Chú ủng hộ của Nhật Quang Bồ Tát và Nguyệt Quang Bồ Tát, hành trì Bát Nhã Tâm Kinh,…
Nhiều người nghe đến đây sẽ hỏi rằng nếu Hiển Pháp tu thành công là có thể giải thoát vậy cần gì phổ biến thêm Mật Pháp làm chi?? Đơn giản là vì căn cơ mỗi chúng sanh không đồng nên Phật Pháp hiện ra không đồng. Có người đủ duyên nên tu chuyên Hiển Pháp như 5 đệ Lăng Nghiêm, 84 câu Đại Bi, Thập Chú, Bạch Y Đại Sĩ Thần Chú… là đủ để liễu sanh thoát tử. Nhưng sẽ có không ít thì nhiều những chúng sanh khác cần tu thêm Mật Pháp như Quán Âm Đại Sĩ Bạch Tịnh Thủy Cam Lộ Pháp, Như Ý Bảo Châu quán tưởng Pháp, Chuẩn Đề Vương kính đàn Pháp, 42 Thủ Nhãn Ấn Pháp Đại Bi Tâm Đà La Ni,… thì mới đủ duyên giải thoát vậy.
Pháp này nếu chẳng có vật dụng cần thiết để đặt trước tượng Bổn Tôn để hành trì thì cứ quán tưởng ra hình như bên dưới đây tùy theo Thủ Nhãn mình muốn tu trì thành tựu là được. Còn những Pháp hành chuyên sâu khác thì mỗi hành giả Đại Bi Mật Pháp cứ đợi đến khi được Đạo Sư truyền dạy cho sau vậy.
HT Tuyên Hoá cũng dạy rằng người nào muốn được trao truyền 42 Thủ Nhãn Ấn Pháp này thì cần phải mỗi ngày trì Chú Đại Bi [ít nhất] 108 biến, giả sử mỗi biến trì tụng Đại Bi mất 1 phút thì tầm 2 tiếng là xong 108 biến (và ai giải đãi thì nên biết dành 2 tiếng mỗi ngày hành trì như vậy chẳng là gì so với 24 tiếng đồng hồ, gồm 8 tiếng đi ngủ và 16 tiếng thức giấc đâu). Và HT Thích Thiền Tâm chính là vị Tăng nhân đắc Pháp Đại Bi này tại Việt Nam bên cạnh một số vị có chứng đắc khác đang ở ẩn. Vì vậy nên hành giả Đại Bi muốn tìm hiểu thêm về 42 Thủ Nhãn Ấn Pháp phải nên học từ các bài giảng của HT Tuyên Hoá và HT Thích Thiền Tâm nhé.
Nguồn facebook của Dương Liễu Pháp Tịnh: https://www.facebook.com/groups/2974019626151537/user/100064531464217/